...

VIAC - 21 năm nỗ lực đổi mới và phát triển

27 Tháng 10, 2019

Trải qua 21 năm phát triển, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng hơn nữa yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp khi tin tưởng lựa chọn VIAC làm cơ quan giải quyết tranh chấp.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) được thành lập năm 1993 trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964). VIAC là một tổ chức phi chính phủ, độc lập, uy tín nhất tại Việt Nam, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong nước và các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, VIAC không chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác, vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật mà còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại  và tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài

Bên cạnh phương thức trọng tài, VIAC còn cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng hoà giải theo Quy tắc Hòa giải có hiệu lực từ ngày 10/09/2007.

Mô hình tổ chức của VIAC gồm Ban điều hành, Ban thư ký, Hội đồng khoa học pháp lý, Ban Xúc tiến-Đào tạo và các đơn vị trực thuộc khác. Ban điều hành gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật của VIAC, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của VIAC. Các Phó Chủ tịch là người giúp Chủ tịch điều hành theo sự phân công của Chủ tịch. Ban Thư ký thực hiện các công việc hành chính để hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp. Ban Thư ký gồm Tổng thư ký, các Phó Tổng thư ký và các Thư ký do Chủ tịch VIAC chỉ định. Hội đồng khoa học pháp lý do Chủ tịch VIAC ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật khi được đề nghị hoặc có yêu cầu.

Ngoài trụ sở chính tại số 9 Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam, VIAC còn có Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Trụ sở chính tại Hà Nội và Chi nhánh VIAC tại Thành phố Hồ Chí Minh được trực tiếp tiếp nhận các vụ tranh chấp. 

Số lượng các vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC không ngừng tăng lên. Từ 1993 đến 2013, VIAC đã giải quyết gần 1.000 vụ tranh chấp thuộc nhiều lĩnh vực như: mua bán hàng hoá (khoảng 70%), đầu tư (khoảng 5%), dịch vụ (10%), xây dựng (5%) và các lĩnh vực khác (10%). Trong đó, tranh chấp trong nước chiếm khoảng 51%, tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 49%. Đến nay, doanh nghiệp thuộc hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC; trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp từ Singapore (khoảng 25%), Hàn Quốc (khoảng 23%), Trung Quốc (15%), Mỹ (10%).

Danh sách Trọng tài viên của VIAC gồm 139 người , trong đó 16 người là Trọng tài viên có quốc tịch nước ngoài thuộc nhiều quốc gia khác nhau như: Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Mỹ, Anh.  Đây là những chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phù hợp với Luật trọng tài thương mại, Khoản 4 Điều 35 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 (dưới đây gọi là “Quy tắc VIAC”)cho phép các bên có thể thoả thuận sửa đổi các thời hạn liên quan tới VIAC hoặc Hội đồng Trọng tài quy định trong Quy tắc với điều kiện phải được sự đồng ý của VIAC hoặc Hội đồng Trọng tài. Mục đích của quy định này nhằm tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có thể thoả thuận rút ngắn thời gian giải quyết vụ tranh chấp. Thông thường, thời gian giải quyết một vụ tranh chấp tại VIAC được coi là tương đối ngắn với mức trung bình khoảng 5-6 tháng/vụ, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Trong những năm qua, VIAC đã ký thoả thuận hợp tác với một số tổ chức trọng tài trên thế giới như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Toà án Trọng tài Châu Âu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Versailles, Hiệp hội Trọng tài Trung Quốc, Đài Loan (CCA), Hội đồng Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), Hiệp hội Trọng tài Thương mại Nhật Bản (JCAA) và Trung tâm Trọng tài khu vực Kuala Lumpur (KLRCA)…Căn cứ các thoả thuận này, VIAC đã hợp tác với các tổ chức trọng tài trong việc thúc đẩy việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, chia sẻ thông tin, tổ chức các hội thảo về trọng tài quốc tế và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

21 năm không phải là một chặng đường ngắn nhưng cũng không quá dài, không đủ cho biết bao mục tiêu cần phải vươn tới của VIAC với mong muốn ngày một phát triển cả về quy mô và chất lượng, xứng tầm với tư cách tổ chức trọng tài uy tín và lâu đời nhất tại Việt Nam.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI